Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cuối năm 2008, tổng dư nợ cho vay bất động sản khoảng trên 115.000 tỷ đồng, chiếm 95% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ này tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM khoảng 73,9%. Cụ thể Hà Nội chiếm 15%, tương ứng với khoảng 18.500 tỷ đồng và Tp.HCM chiếm khoảng gần 60%, tương ứng với trên 68.000 tỷ đồng. Các địa phương khác cũng có số vốn cho vay bất động sản khá là Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu,…
Đến năm 2010, ước tính đến 31/12/2010 dư nợ cho vay kinh doanh đầu tư bất động sản tăng khoảng 23,5%, đạt 228.000 tỷ đồng. Chỉ tính đến cuối tháng 10, dư nợ cho vay bất động sản đã đạt 224.843 tỷ đồng, tăng 22,01% so với cuối năm 2009.
Với con số dư nợ “khủng” trên, ngày 1/3/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng sẽ phải giảm dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất (nhất là bất động sản và chứng khoán) xuống còn 16% vào cuối năm 2011. Theo đó, đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%.
Từ những thông tin trên, cuối tháng 6 sẽ là thời điểm đáo hạn nợ của các công ty bất động sản, trong khi lãi suất đang ở mức cao và không có khả năng giảm sớm khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Nhiều đại gia bất động sản rất lo lắng vì thời điểm đáo hạn vay nợ ngân hàng đang rất cận kề. Vào thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp môi giới, kinh doanh địa ốc đều cay đắng nhận xét rằng, sức mua bán, dịch chuyển đất đai trên thị trường vẫn giữ ở mức thấp.
Nếu thời gian trước đây, doanh nghiệp bất động sản bung hàng thu hút nguồn vốn đầu tư để tiếp tục thi công dự án thì thời gian này họ bung hàng vì mục đích trả nợ. Dù thời điểm hiện tại thị trường bất động sản khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn quyết định mở bán. Theo đó, họ đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá, quà tặng, rút thăm trúng thưởng,… nhằm kích cầu.
Theo ghi nhận của CafeLand, trong tuần qua, nhiều dự án trên địa bàn Tp.HCM lần lượt ra mắt thị trường. Từ dự án đất nền ven đô đến các dự án cao cấp trong khu vực nội thành. Cụ thể, mở đầu là dự án căn hộ Phát Tài do Công ty TNHH Tân Hải Minh làm chủ đầu tư đã được sàn giao dịch dịch bất động sản Nhà Việt Nam chào bán đợt 1 với mức giá khá mềm trung bình từ 11 triệu đồng/m2.
Công ty Cổ phần Nhà Việt Nam cũng đã công bố mở bán đợt 2 dự án Trường Thạnh 1 tại khu dân cư Nhà Việt Nam vào tuần qua. Sàn giao dịch bất động sản BCCI-2 cũng vừa chào bán khu căn hộ Nhất Lan với giá từ 1,1 tỷ đồng/căn. Dự án này do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) làm chủ đầu tư. Hay dự án đất nền khu dân cư Bến Lớn Bình Dương được Công ty Cổ phần địa ốc Đất Xanh Mỹ Phước áp dụng khuyến mãi “mua đất nhận vàng 9999”.
Mới đây, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Phúc Khang đã chính thức chào bán 400 đất nền biệt thự - nhà phố thuộc dự án khu đô thị mới Phước An với giá từ 2,35 – 3,5 triệu đồng/m2, được chia làm 8 đợt,… Mặc dù đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng tỷ lệ giao dịch trên thị trường bất động sản thời qua vẫn ảm đạm, trừ 1 số ít dự án có vị trí tốt.
Theo ghi nhận của CafeLand, tỷ lệ giao dịch phân khúc cao cấp cũng không mấy khả quan. Điển hình là dự án Sài Gòn Pearl có sự giảm giá từ 7 – 11 triệu đồng/m2. Đầu năm 2011 giá bán dự án này từ 43 - 53 triệu đồng thì hiện nay chỉ còn 37 - 42 triệu đồng/m2.
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, trước đà giảm điểm thị trường chứng khoán, bất động sản sẽ chịu tác động không nhỏ bởi hai ngành này có liên quan mật thiết với nhau. Thêm vào đó, thông tin tháng 6 sẽ là thời điểm đáo hạn nợ của các công ty bất động sản, trong khi lãi suất đang ở mức cao và không có khả năng giảm sớm khiến các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét